Hoa mai là một loại hoa truyền thống; mang nét đặc trưng, không thể thiếu trong không khí Tết Nam Bộ. Nhà nhà đều muốn sở hữu chậu hoa mai thật đẹp, khoe sắc trong những dịp Tết đến xuân về. Chính vì vậy, cách chăm sóc mai trước Tết luôn là vấn đề được rất nhiều người quan tâm. Sau đây, chúng tôi sẽ chia sẻ tới bạn đọc cách chăm sóc mai trước tết đúng cách để có chậu hoa mai nở vàng rộ, tô điểm cho ngày tết thêm sinh động, rực rỡ nhé!
Các giống mai đẹp trồng Tết
Hiện nay, ở Việt Nam chúng ta có rất nhiều loại mai khác nhau được nhập khẩu và lai tạo với những nét đẹp riêng biệt. Sau đây, chúng tôi sẽ gợi ý cho bạn một số giống mai đẹp và được trồng phổ biến nhất trong dịp lễ Tết nhé.
Hoa mai truyền thống: Đây là loại hoa mai vàng xuất hiện nhiều nhất vào dịp Tết ở Nam bộ. Mỗi bông hoa mai vàng truyền thống có 5 cánh nhỏ, phần lá tương đối lớn, sinh trưởng mạnh và có tuổi rất lâu. Tuy nhiên, hoa của giống mai này lại tương đối nhỏ và ít cánh hoa hơn so với những giống mai lai tạo.
Hoa mai tứ quý: Giống mai này còn được gọi là nhị độ mai, chúng có nguồn gốc từ Thái Lan. Mai tứ quý thuộc họ cây thân gỗ và cũng cho ra hoa vàng 5 cánh. Đặc biệt, khi cánh hoa rụng thì các đài hoa sẽ chuyển dần sang màu đỏ và ôm lấy nhụy, tạo ra bông hoa đỏ vô cùng đẹp mắt.
Bên cạnh những giống mai trên còn có rất nhiều những loại khác như mai đại lộc, mai trắng… Mỗi giống mai sẽ mang những đặc điểm và cách trồng, chăm sóc cũng khác nhau. Mai có thể trồng bằng cách ghép cành, gieo hạt, chiết cành…Tùy vào sở thích và thực tế mà bạn có thể chọn cách trồng mai khác nhau để có những chậu mai chưng Tết bông to, rực rỡ nhất nhé.
Thời điểm phù hợp trồng mai chơi Tết
Hoa đào và hoa mai là 2 loài hoa không thể thiếu trong không khí ngày Tết cổ truyền Việt Nam. Hoa đào thì được ưa chuộng và trồng nhiều ở miền Bắc còn hoa mai lại phổ biến và đặc trưng cho Tết Nam bộ, bởi hoa mai chịu lạnh kém và thích hợp với khí hậu nóng ẩm.
Nhờ vào đặc tính của hoa mai mà người ta đã tìm ra được thời điểm trồng cây hoa mai thích hợp nhất. Thời gian phù hợp nhất là vào khoảng từ tháng 10 đến tháng 2 âm lịch hàng năm. Thời điểm này thời tiết vừa đủ ẩm vừa đủ nắng (nhiệt độ từ 25 đến 30 độ C) giúp tạo điều kiện tốt nhất để cho cây mai phát phát triển.
Môi trường lý tưởng để mai nở đẹp ngày Tết
Môi trường, đất trồng cũng là yếu tố rất quan trọng để giúp cây mai phát triển tốt và nở hoa đẹp, đúng dịp Tết. Bạn nên chọn vị trí đất tơi xốp, mềm và dễ thoát; đặc biệt là chọn loại đất thịt không bị phèn chua sẽ có nhiều chất dinh dưỡng cho cây sinh trưởng.
Bạn trồng mai trực tiếp trên nền đất hoặc trồng trong chậu đều được. Điều quan trọng là chọn loại đất trồng tốt và biết cách chăm sóc mai trước Tết đúng cách, đúng kỹ thuật thì hoa mới nở đúng dịp Tết. Bên cạnh đó, nếu bị úng nước thì mai sẽ dễ bị chết, vì vậy bạn cần chọn vị trí cao, thoáng mát và xa nguồn nước để trồng mai.
Ngoài ra, nếu mai được trồng trong chậu thì khoảng 2 năm/ 1 lần cần đổi chậu lớn hơn, có lòng sâu và đặt cây mai ở nơi thoáng mát để cây có môi trường phát triển tốt hơn. Khi thay chậu bạn cần chú ý tránh gây ảnh hưởng, tổn thương tới rễ cây nhé!
Cách chăm sóc mai trước Tết
Để giúp cây mai phát triển tốt; cho ra hoa to, đẹp, sặc sỡ đúng vào dịp Tết cổ truyền thì các bạn có thể tham khảo thêm các kỹ thuật trồng, cách chăm sóc mai trước Tết đúng cách sau đây nhé!
Bón phân cho cây có đủ dinh dưỡng
Đối với hầu hết các loại cây và trong đó có cả cây mai thì việc bón phân, cung cấp đầy đủ chất dinh dưỡng là điều rất quan trọng, ngay cả khi mới trồng hay khi cây đã trưởng thành. Đặc biệt với cây hoa mai, khi chuẩn bị đóng nụ để ra hoa vào dịp Tết thì việc bón phân càng cần phải lưu ý tới hơn.
Thông thường, việc bón phân cho mai sẽ diễn ra từ khoảng cuối tháng 10, đầu tháng 11 âm lịch. Giai đoạn này bón phân hữu cơ là tốt nhất cho cây hoa mai và nên bón lặp lại 2 – 3 lần và mỗi lần cách nhau 7 ngày. Bên cạnh đó, bạn cũng cần chú ý là không nên sử dụng phân bón có hàm lượng đạm cao mà có thể sử dụng lân và kali trong giai đoạn này. Việc bón phân cho mai sẽ được hạn chế dần dần và tới cuối tháng 11 thì dừng lại để chuẩn bị tới bước tuốt lá cho mai ra hoa Tết.
Khi bước sang tháng 12, bạn có thể bón thêm cho mai một ít phân hữu cơ để dưỡng cho cây ra hoa không bị mất sức. Và đây cũng là thời điểm để chuẩn bị tiến hành tuốt lá cho mai và kịp ra hoa đúng dịp Tết.
Tưới nước đủ ẩm cho mai ngày Tết
Như các bạn đã biết, cây hoa mai ưa thời tiết nóng ẩm, chịu hạn tốt. Tuy nhiên, chúng ta vẫn cần tưới và cung cấp lượng nước vừa đủ cho cây. Bởi đây là một trong các cách chăm sóc mai trước Tết rất quan trọng, tạo điều kiện cho cây phát triển tốt hơn, cho ra hoa to và đẹp.
Thông thường ở mùa nắng, bạn chỉ nên tưới nước cho mai 1 lần/ ngày vào buổi sáng. Còn khi bước vào mùa mưa thì bạn không cần tưới nữa. Khi tưới, bạn cần lưu ý chỉ làm ướt gốc và dùng bình xịt phun sương lên tán lá; tuyệt đối không tưới ngập sẽ dẫn tới tình trạng úng nước và cây bị chết.
Từ đầu tháng 10 cho tới cuối tháng 11 âm lịch thì bạn cần siết lại việc tưới nước cho mai, hạn chế tưới và tưới cách ngày hoặc khi thấy cây khô mới tưới. Trước khi chuẩn bị tuốt lá khoảng 2-3 ngày thì bạn dừng hẳn tưới nước. Sau khi đã tuốt lá xong được khoảng 2 ngày mới tiếp tục tưới lại nước cho cây.
Trong trường hợp tới ngày 25 tháng 12 âm lịch mà mai vẫn chưa bung vỏ lụa thì có thể sử dụng nước ấm chừng 30 – 40 độ C để tưới. Đồng thời đặt cây ở vị trí có nhiều ánh nắng để cây ấm lên và nhanh nở hoa, kịp vào những ngày Tết rộn ràng.
Kỹ thuật tỉa cành và tuốt lá cho cây mai
Một trong những cách chăm sóc mai trước Tết, giúp ra họa mà bạn cần quan tâm nữa đó là kỹ thuật tuốt lá, tỉa cành. Việc này cũng đóng vai trò quan trọng và liên quan tới tình trạng nở hoa của cây mai.
Bạn cần thường xuyên kiểm tra và tỉa những cành bị khô, bị sâu cho mai để không làm ảnh hưởng tới cả cây. Chúng ta nên cắt tỉa cành cho mai khoảng 2 tháng/ 1 lần, tránh để cây quá rậm rạp.
Khi vào khoảng ngày 5, ngày 7 tháng 12 âm lịch, bạn cần quan sát nụ hoa mai và thời tiết để canh đúng thời điểm tuốt lá mai. Nếu như trời nắng và nụ mai lớn thì thì nên tuốt lá mai vào ngày 15 – 20 tháng chạp. Còn nếu như nụ mai nhỏ mà trời mưa thì nên tuốt lá vào khoảng ngày 13 – 16 tháng chạp là tốt nhất.
Cách phòng trừ sâu bệnh hiệu quả cho mai ngày Tết
Cây hoa mai là loại khá nhạy cảm với các loại thuốc bảo vệ thực vật. Vì vậy, bạn chỉ nên bắt sâu bằng tay hoặc có thể sử dụng chế phẩm sinh học như dịch tỏi, Bio-B… để ngăn ngừa sâu bệnh, bảo vệ hoa ngày Tết.
Bên cạnh đó, nếu trồng mai trong chậu thì bạn có thể lót thêm lớp sỏi quanh gốc cây để hạn chế cỏ dại mọc. Còn khi trồng trực tiếp trên nền đất thì có thể cắt ngang thân cây cỏ và giữ phần gốc của chúng để giữ ấm đất. Tuy nhiên, bạn cũng cần lưu ý không để cỏ mọc quá cao sẽ hút dinh dưỡng và ảnh hưởng khá nhiều tới sức khỏe của mai.
Nội dung bài viết trên là những thông tin chia sẻ của chúng tôi về kỹ thuật trồng cũng như cách chăm sóc mai trước Tết đúng cách và nở hoa đúng dịp Tết như mong muốn. Hy vọng những thông tin trên sẽ giúp bạn nắm được chi tiết cách chăm sóc mai trước Tết và đón Tết rộn ràng, rực rỡ sắc hoa.